Pages - Menu

Thursday, March 27, 2014

Bò nấu Lagu

Bò nấu Lagu thì mỗi nơi mỗi kiểu, mà thường thì ít khi nấu món này ở nhà, thỉnh thoảng có hội nghị trong khách sạn thì mới hay gặp món này. Mình thì thường nấu bò kho ở nhà hơn.

Có cái hôm nay loay hoay thế nào lại nổi hứng mà viết về Lagu Bò thế không biết.

Nguyên liệu:
- Thịt bò: 0,5 kg (có thể chọn thăn hoặc thịt sườn đều được)
- Cần tây: 1 cây
- Hành tây: 1/2 củ
- Cà rốt: 1 củ
- Đậu Hà Lan: 100 g
- Cà chua: 2 quả
- Tỏi: 1/2 củ
- Sốt cà: 200 ml (mình thì khoái sốt cà và tương ớt của Cholimex)
- Dầu ăn
- Rượu trắng
- Gia vị: Hạt nêm, tiêu, muối
Bí quyết làm món Bò nấu lagu ngon
Bò nấu Lagu
Cách làm: 
- Thịt bò mua về rửa sạch, thái miếng vuông, ướp với chút gia vị.
- Cần tây, cà rốt, hành tây thái hạt lựu lớn (1cm x 1cm).
- Cà chua thái nhỏ.
- Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhuyễn
- Làm nóng dầu ăn, cho tỏi vào phi thơm, cho thịt bò vào xào săn. Cho cà chua vào xào, cho tiếp sốt cà vào xào chung, sau đó đổ nước xâm xấp mặt thịt, đun sôi.
- Sau đó các bạn hạ nhiệt đun tới khi thịt bò chín, gần mềm thì cho tiếp cần tây, hành, cà rốt, đậu Hà Lan vào hầm chung. Cho khoảng 1 thìa rượu trắng, nêm lại gia vị vừa ăn.
- Đun tiếp khoảng 15 phút, tới khi các loại củ quả chín thì rắc tiêu, ăn nóng
Bò nấu Lagu có nhiều kiểu nấu, có bạn thích cho thêm củ cải, hơi hướng món Hoa thì cho thêm quế chi, có bạn làm thuần kiểu Âu thì có lá Thym, Nguyệt quế... Các bạn tùy khẩu vị mà gia giảm nhé.
Bò nấu Lagu ăn kèm với bánh mì các bạn nhé

Chúc các bạn thành công!

Monday, March 24, 2014

Cách phân biệt thịt trâu, bò và thịt lợn

Trâu co - Bò nở, các cụ đã dạy thế rồi, cách phân biệt thị trâu, thịt bò cũng nhiều. Nhưng mấy bà mấy cô ngoài chợ nhiều khi vì muốn bán được hàng, khách hỏi thịt bò thì đưa thịt trâu, hỏi thịt trâu thì đưa thịt bò, kể cũng oái ăm.

Để Bí Ngô chia sẻ với các bạn cách phân biệt cách thịt trâu - bò - lợn, ngõ hầu đi chợ đỡ bị "úp sọt"

Thịt bò: Thường có màu đỏ, thớ thịt mịn và dai, mỡ màu vàng và hơi có mùi gây (của bò).
Món ăn ngon: Cách phân biệt thịt trâu, bò và thịt lợn
Thịt trâu: Màu sậm hơn thịt bò, thớ to, mỡ trắng, và không có mùi rõ rệt.
Món ăn ngon: Cách phân biệt thịt trâu, bò và thịt lợn
Thịt lợn: Thịt lợn già đôi khi được đem giả làm thịt bò. Chuyện! một đằng 70k/kg, đằng 200k/kg, giả cũng không có gì là lạ. Thịt lợn già thường có màu đỏ, thoa thêm chút tiết bò là màu + mùi tưng bừng luôn nhé. Thật ra thì nếu chú ý các bạn vẫn thây là thịt lợn thường có màu nhạt hơn thịt bò, thớ to và ngắn hơn. Khi sờ vào thì không có cảm giác dính như thịt bò. 
 Món ăn ngon: Cách phân biệt thịt trâu, bò và thịt lợn
Nếu bạn nào chú ý quan sát thấy trên tay người thái thịt bò thường có những hạt giống như cát, màu đỏ dính vào. Vì thịt bò rất mịn nên khi cầm, thái nhiều sẽ thấy các vụn li ti đó dính vào tay. Cái này hồi trước Bí Ngô làm cho mấy quán Bò 7 món thấy rồi.

Ngoài ra nữa có mấy chị em ngoài chợ sử dụng phẩm màu hoa hiên (màu gạch tôm) để nhuôm thịt. Phải cái màu này chạm vào sẽ rây ra tay. Các bạn khi động vào miếng thịt, quan sát kĩ sẽ thấy một lớp mỏng, mờ màu cam ở trên đầu ngón tay.


Friday, March 21, 2014

Bí quyết làm món gà rán ngon

Bí quyết làm món gà rán ngon theo kiểu KFC, Lotteria thì Bí Ngô không biết như thế nào chứ. Còn làm để ăn ở nhà thì nhiều lắm.
Chia sẻ bí quyết làm món gà rán ăn rất ngon
Gà tẩm ngũ vị rán
 Trước tiên là chọn gà.
- Riêng gà rán đừng chọn gà ta vì khi rán lên rất khô, còn gà công nghiệp thì thịt bở, mềm quá ăn cũng không ngon. Mình thì khoái nhât là "K9 thả dài", nghĩa là gà lai mà nuôi theo kiểu gà ta, rán lên ăn rất mềm và thịt cũng thơm. Mua cũng không quá khó, mấy bà ngoài chợ nhiều khi gặp mấy ông "gà mờ" đi chợ là chỉ ngay vào một em K9 - "gà ta đây chú này". Túm lại cứ ra hàng gà hỏi, khắc có.
- Sau khi nhờ mấy bà làm sạch rồi thì có thể đem lòng gà xào mướp; chân, đầu, cổ, xương lưng, cùng với phần cánh bút chì đem nấu củ quả, còn thì đem làm gà rán.
ẩm ướp gia vị
- Rán kiểu tây, kiểu tàu gì thì cũng phải ướp gia vị hết. Tức là chặt miếng tùy ý (to nhỏ), ướp gia vị mì chính, tiêu, muối trong khoảng 20 - 30 phút.

Rán không dùng bột
- Thì khâu tẩm ướp thường dùng thêm ngũ vị hương, đó là Gà rán ngũ vị.
Chia sẻ bí quyết làm món gà rán ăn rất ngon
Gà tẩm bột rán
Rán có bột
- Khác với Tôm tẩm bột rán, thường sử dụng bột ướt. Gà rán sử dụng bột khô.
- Đập 01 quả trứng gà ra bát, đánh tan, nhúng thịt gà đã qua tẩm ướp vào trứng rồi lăn qua bột. Nếu là chiên giòn thì bạn lăn qua bột mì, bột năng... chiên xù thì lăn qua bột xù.

Dầu ăn
- Dầu ăn để rán gà không nhất định phải là dầu tinh khiết. Có thể là dầu đã chiên lần 1, lần 2 (theo các qui chuẩn về y tế thì dầu sử dụng không quá 3 lần) cánh gà sẽ nhanh vàng, màu đẹp.

Kỹ thuật rán
- Các bạn đun dầu tới nhiệt độ khoảng 160 độ C. Các bạn cứ đun tới khi thấy dầu reo, đến khi nó hết reo, nổ là vừa nhiệt. Nhiệt độ này hơi nóng nhưng như thế sẽ giúp bột khô, bám vào thịt chứ không rơi xuống dưới. Sau khi gắp gà thả hết vào chảo các bạn hạ nhiệt để thịt có thời gian chín, khoang 10 - 15 phút tùy theo miếng to, nhỏ là được.
- Gà không tẩm bột rất dễ bắn do gà có chất keo, vì thế nên đứng tránh xa một chút, đùng đũa hoặc gắp dài mà thao tác các bạn nhé.
- Nếu là rán ngập dầu thì thỉnh thoảng các bạn đảo cho chín đều, còn rán không gập dầu thì cứ 2 phút trở mặt một lần.
- Khi gà được, trước khi bắt ra các bạn tăng nhiệt lên cho gà chín giòn, tạo màu vàng đẹp.
Chia sẻ bí quyết làm món gà rán ăn rất ngon
Gà chiên xù
Ăn kèm
- Cái này hơi ngoài lề một chút, nhưng tiện chảo tại sao chúng ta không làm chút bánh phông hoặc khoai tây chiên nhỉ? 
- Còn gà rán ăn cũng mau ngán, vì thế các bạn nên làm thêm salat cà chua dưa chuột hoặc salat bắp cải để ăn kèm nhé.

Chúc các bạn thành công !

Xem thêm các mẹo vặt nhà bếp 

Wednesday, March 19, 2014

Thịt trâu xào rau muống

Thịt trâu xào rau muống thì ngon rồi. Vấn đề là đào đâu ra thịt trâu bây giờ. Bác nào kiếm không ra thì linh hoạt dùng thịt bò thay vào nhé.

Món này xào lửa to, đảo nhanh tay mới ngon. Cọng rau muống giòn, thịt trâu ngọt lừ, mà hợp với tỏi lắm, thơm cứ gọi là điếc mũi.

Nguyên liệu:
- Thịt trâu: 200 gr
- Rau muống non: 1 mớ
- Tỏi khô: 1 củ
- Ớt: 1 quả
- Dầu ăn,
- Gia vị: mì chính, hạt nêm, tiêu, dầu hào, nước tương.
Bí quyết làm món thịt trâu xào rau muống ngon
Thịt trâu xào rau muống

Cách làm:
- Tỏi khô bóc vỏ, 1/2 đập dập, 1/2 băm nhỏ
- Thịt trâu rửa sạch, thái miếng mỏng, to bản ướp với chút dầu hào, tiêu, tỏi xay, để khoảng 10 phút cho ngấm.
- Rau muống nhặt bỏ cọng và lá già, rửa sạch, để ráo.
- Ớt bỏ hột, thái lát (cái này thì không bắt buộc nhé, bác nào thích ăn cay thì mới cho)
- Làm nóng dầu ăn, phi thơm tỏi, cho thịt bò vào xào riêng, để lửa to, xào nhanh tay, khi thịt bò chín tái thì trút ra tô.
- Cho thêm một chút dầu vào chảo, cho rau muống vào xào (nếu kĩ các bạn nên trần qua rau muống), nêm 1/3 thìa mì chính, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa nước tương (xì dầu), thêm chút nước để gia vị tan đều. Khi rau chín tới thì cho thịt trâu, (ớt) trở lại xào cùng rồi tắt bếp, múc Thịt trâu xào rau muống ra đĩa, rắc tiêu, ăn nóng,
- Món này có thể chấm với nước tương, thêm vài lát ớt tươi.

Chúc các bạn thành công !

Friday, March 14, 2014

Nộm đu đủ tai heo

Nộm đu đủ tai heo ăn thì giòn phải biết. Nó không cay như nộm đu đủ bò khô, cũng không "đậm" như gỏi ngó sen tai heo, nhưng mà ăn khá ngon, lại dễ làm.

Nguyên liệu:

- Đu đủ: 1 quả
- Cà rốt: 1  củ
- Tai lợn: 1 cái
- Rau răm: 1 mớ nhỏ
- Chanh: 2 quả
- Tỏi: 1/2 củ
- Ớt: 1 quả
- Gia vị: đường, muối, nước mắm, tương ớt.
Bí quyết làm món Nộm đu đủ tai heo ngon
Nộm đu đủ tai heo
Cách làm:
- Đu đủ, cà rốt gọt vỏ, bào thành sợi mỏng, ngâm với chút nước có pha giấm để cho khỏi thâm, bạn nào thích giòn thì thả vào vài viên đá lạnh ngâm cùng nhé.
- Tai lợn rửa sach, xát dấm. muối rồi rửa lại vài lần, sau đó đem luộc chín, sau khi vớt ra thì ngâm vào trong nước lạnh để tai giòn, không thâm.
- Tỏi, ớt đập dập, thái nhỏ.
- Rau răm rửa sạch, thái nhỏ.
- Chanh tươi bổ đôi, vắt lấy nước cốt.
- Pha nước nộm: 1 thìa mắm (hoặc 1 thìa cà phê muối) - 2 thìa nước cốt chanh - 2 thài đường - 1 thìa tương ớt, khuấy đều cho tan hết gia vị.
- Đu đủ, cà rốt, tai heo vớt ra để ráo nước rồi cho vào một tô to, cho rau răm thái nhỏ vào cùng, đổ nước nộm vào trộn đều, thêm tỏi, ớt. Trộn đều và thử lại cho vừa chua - cay - mặn - ngọt.
- Cuối cùng là cho Nộm đu đủ tai heo ra đĩa và thưởng thức.

Wednesday, March 12, 2014

Đu đủ hầm chân giò

Nhớ hồi vợ đẻ, nghe lời bác sĩ mua chân giò về hầm đu đủ cho lợi sữa. Món này cũng không khó làm, chỉ là ăn mau ngán thôi, mà mấy bà bầu phải ăn liên tục có khi chỉ nhìn là thấy nản rồi. Nhưng bình thưởng thỉnh thoảng nấu một bữa cũng ngon.

Nguyên liệu:

- Chân giò: 0,5 kg, chọn phận dựng (nghĩa là từ móng lên tới khuỷu các bạn nhé)
- Đu đủ: 1 quả nhỏ
- Hành khô: 1 củ
- Hành lá: 3 cọng
- Rau mùi: 1 mớ nhỏ
- Dầu ăn
- Gia vị: mì chính, hạt nêm, tiêu, nước mắm ngon
Bí quyết làm món Đu đủ hầm chân giò ngon
Cách làm:
- Chân già rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, ướp với gia vị, tiêu, nước mắm khoảng nửa giờ cho ngấm.
- Đu đủ gọt vỏ, rửa sơ, thái hình móng lợn.
- Hành khô bóc vỏ, thái lát.
- Hành, mùi bỏ gốc, rửa sạch, thái nhỏ.
- Phi thơm hành khô, cho chân giò vào xào xăn, cho nước vào đun sôi, hớt bọt, hạ nhỏ lửa đun tới khi chân giò chín mềm, ra nước ngọt thì cho đu đủ vào đun tiếp, một lúc đu đủ chín, nêm lại gia vị vừa ăn rồi cho hành, mùi thái nhỏ vào.
- Cuối cùng là múc Đu đủ hầm chân giò ra tô, rắc tiêu và măm thôi.

Monday, March 10, 2014

Bánh đa cua Hải Phòng


Nhớ hồi ở Sài Gòn, thằng bạn người Hải Phòng nằng nặc vời về nhà để giới thiệu món bánh đa cua do chính tay hắn nấu. Thực tình mà nói thì tay nghề của hắn cũng chỉ ở mức trung bình, nhưng đó là lần đầu tiên biết đến món này. Sau này có dịp đến Hải Phòng, cũng đã thử ăn bánh đa cua ở vỉa hè. Ngon.

Ở Hà Nội thỉnh thoảng cũng đi ăn bánh đa cua ở vài nơi, đường Bà Triệu, đoạn gần Vincom cũng có mấy gánh bánh đa ngon, mà lại chiều khách. Nhiều rau, ít rau; nhiều bánh, ít bánh; thêm nọ, bớt kia… kiểu gì cũng chiều khách.

Thôi vào chủ đề chính đã nhể:

Nguyên liệu:
- Bánh đa đỏ: 300 g
- Cua xay: 500 g
- Sườn lợn: 300 g
- Thịt vai xay: 50 g
- Nấm hương: 3 - 5 cái
- Mộc nhĩ: 1- 2 tai
- Rau cần: 1 mớ
- Rau rút: 1 mớ
- Rau muống: 1 mớ
- Hành khô: 1 củ 
- Me: 3 quả
- Cà chua: 3 quả
- Lá lốt, hành hoa.
- Rau ăn kèm: giá, xà lách, hung quế, rau mùi, hoa chuối…
- Gia vị: bột nêm, muối, dầu ăn, mắm tôm, dầu ăn.
Bí quyết làm món bánh đa cua Hải Phòng ngon
Bánh đa cua Hải Phòng
Cách làm:
- Cua lọc lấy nước, bỏ bã, gạch khêu ra một bát riêng.
- Sườn lợn rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, trần qua nước sôi, ninh lấy nước dùng.
- Hành hoa, lá lốt rửa sạch, để ráo. Hành hoa thái khúc ngắn.
- Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở, thái nhỏ, trộn với thịt xay, tiêu, chút gia vị, sau đó dùng lá lốt gói lại, rán chín.
- Bánh đa đỏ ngâm nước cho mềm, rửa sạch rồi vớt ra rổ, để ráo.
- Các loại rau thơm nhặt, rửa sạch, ngâm qua nước lạnh rồi vớt ra rổ để ráo.
- Rau muống, rau rút, rau cần nhặt rửa sạch, thái khúc dài.
- Hành, tỏi khô bóc vỏ đập dập.
- Cà chua rửa sạch, bổ múi cam.
- Phi thơm hành khô, cho gạch cua vào xào cho nổi màu (nếu kĩ hơn thì các bạn nên cho một chút nước lạnh vào bát gạch cua rồi gạn nước ra, cho bớt hoi).
 - Phần thịt cua đã lọc lấy nước các bạn cho một chút muối rồi bắc lên bếp, đun vửa lửa, đến khi nước bắt đầu nóng thì dùng muôi (vá canh) cào hoặc xúc nhẹ phía đáy nổi để gạch nổi lên, đóng tảng. Khi gạch nổi lên các bạn khẽ lật mặt cho gạch chín rồi hớt ra bát tô, để riêng.
- Cạo sạch me, thả vào nồi nước, đun một lúc cho me mềm thì vớt ra bát, dầm nát, đổ một chút nước vào bát, đổ trở lại nồi. Lúc này bạn đổ nước ninh sườn và màu gạch cua vào đun chung. Đun tới khi sôi trở lại thì cho cà chua vào, nêm gia vị vừa ăn. Cuối cùng là cho hành hoa vào.
- Chần bánh đa cua qua nước sôi, cho vào từng bát tô, chần rau thả vào từng bát (ai thích ăn rau gì, nhiều ít ra sao thì tùy ý). Xúc một ít gạch cua đặt vào bát, thêm miếng chả lá lốt (tới đây ai muốn thêm trứng, thịt chân giò, giò tai... thì cứ tự tiện chuẩn bị trước nhé) rồi múc nước dùng đổ lên trên, nhớ múc kèm miếng sườn cho nó "hoành", điểm thêm vài miếng cà chua cho đẹp.
- Đến đây bạn đã có một tô Bánh đa cua đầy đủ, ăn kèm với các loại ra thơm thêm chút ớt khô chưng nữa là hoàn toàn.

Chẹp... định tả thêm vài dòng nhưng không chịu nổi nữa rồi, khu này chẳng có ai bán Bánh đa cua. Bây giờ mà nói là để đó đi ăn ... bún ngan, chắc bà con chửi cho tắt bếp. Nhưng mình khoái cả món này, bụng đang đói, biết làm sao !

Thursday, March 6, 2014

Cách nấu nước dùng trong

Nấu nước dùng trong là căn bản trong nhiều món canh, súp, phở, lẩu... vậy chứ cũng phúc tạp ra phết chứ không phải chuyện đùa đâu.

Ngay như món Phở, Bí Ngô chưa từng nấu phở theo công thức của các cụ bao giờ, chỉ nghe ông ngoại (ngày trước có bán phở) kể lại là: phải dập dập xương bò, ngâm trong nước lạnh vài giờ cho hết nước hồng, rửa đi rửa lại rồi với cho vào ninh lấy nước.

Thứ hai là phải đun nhỏ lửa, chỉ để liu riu thôi, lửa to là nước đục ngay. Ngày trước trong trường các thầy gọi đó là hiện tượng huyết tương (nghĩa là chất cứng lơ lửng trong chất lỏng).

Gặp phải hiện tượng nước dùng đục thì một là đổ đi, 2 là chuyển sang dùng cho các món không yêu cầu nước trong (lẩu Thái, riêu cua), còn muốn chữa cháy thì dùng lòng trắng trứng gà, đanh tan, khi nước hơi nóng thì cho trứng vào khuấy đều, tới khi nước sôi thì trứng đông lại, nổi lên sẽ kéo theo các vẩn đục. Nhưng dù sao cũng không thể trong như mong muốn được.
Nước dùng ko trong... chữa cháy đê !
Ở trong quán, nhất là đồ Âu người ta phân ra nước dùng bò trắng, nước dùng bò nâu (nướng xương lên), nước dùng heo, nước dùng gà, nước dùng cá, nước dùng củ quả... dành cho các món khác nhau. Ở nhà thì chủ yếu là xương gà, xương lợn là chính. Các bạn cứ kêu người bán chặt hộ, rửa sạch, luộc sơ, nước đầu bỏ, rồi rửa lại xương. Giờ mới ninh lấy nước dùng, nước sôi thì vặn nhỏ lửa, có bọt thì phải hớt ngay, rồi nước cũng trong. Muốn cho nước dùng thơm và ngọt các bạn có thể cho thêm một vài loại củ như: hành tây, củ cải, su hào...

Vậy là các bạn đã có nước dùng trong giành cho các món lẩu, súp rồi.

Monday, March 3, 2014

Sườn non om sấu

Mưa gió dầm dề, cả tháng rồi, chán toàn tập. Chẳng có việc gì làm, tự dưng lại nghĩ tới sườn non om sấu. Món này ngon đây.

Nguyên liệu:
- Sườn non: 1 kg
- Cà chua: 2 quả
- Sấu: 5 quả
- Hành, mùi tàu
- Hành khô: 1 củ
- Bún
- Gia vị: mình chính, muối, tiêu, hạt nêm, dầu ăn.
Bí quyết làm món sườn om sấu ngon
Cách làm:
Sườn non mua về chặt miếng vừa ăn, trần qua nước sôi, ướp với chút mì chính, tiêu, nước mắm, hạt nêm.
- Hành, mùi tàu nhặt rửa sạch, cắt khúc.
- Cà chua thái múi cam.
- Hành khô bóc vỏ, thái lát.
- Sấu cạo vỏ, rửa sạch, khía vài đường trên mình quả sấu.
- Bắc chảo lên bêp, đun nóng dầu, phi thơm hành khô. Cho sườn vào xào săn, sau đó đổ chừng khoảng 1 lít nước, đun sôi, hớt bọt, cho sấu vào đun cùng.
- Đun chừng khoảng nửa tiếng, khi thịt mềm thì vớt sấu ra bát, dầm nát, đổ một chút nước dùng vào bát. Sau đó đổ nước sấu vào từ từ, để có được độ chua như ý. Nêm lại gia vị vừa ăn.
- Trước khi tắt bếp thì cho hành, mùi tàu vào cho thơm.
Sườn om sấu được dọn cùng với bún.
- Nếu bạn nào thích ăn theo kiểu lẩu thì chuẩn bị thêm đậu, rau muống và cho nhiều nước chút nhé. 

Giời lạnh thế này thêm vài lát ớt cũng ngon các bạn nhỉ !?