Pages - Menu

Tuesday, November 11, 2014

Bò lúc lắc

Bò lúc lắc đơn giản, dễ làm, ăn lại rất ngon. Từng miếng thịt bò được xào trên lửa lớn, săn, mềm mà ngọt lịm, thơm mùi tiêu, tỏi.

NGUYÊN LIỆU
- Thịt bò: 500 gr (nên chọn thăn hoặc fi lê cho mềm)
- Hành tây: 1 củ nhỏ
- Ớt chuông: 1/2 quả
- Cà chua bi: 5 quả
- Tỏi khô: 1 củ
- Rau mùi
- Dầu ăn
- Gia vị: Dầu hào, nước tương (xì dầu), muối tinh, đường, tiêu xay

Bí quyết làm món Bò lúc lắc ngon
Bò lúc lắc
CÁCH LÀM
- Thịt bò cắt thành miếng lớn, dầy khoảng 2 cm, dùng búa nhôm dần đều cho thịt mềm, và mỏng hơn, đạt độ dầy khoảng 1 cm là vừa. Cắt miếng thịt bò thành hình vuông quân cờ, ướp với tiêu, dầu hào, nước tương và một chút dầu ăn, để 20 phút cho ngấm.

- Cà chua bi bổ làm đôi, nếu là cà chua thường thì các bạn cắt bỏ 2 đầu, bỏ hạt và thái miếng hình vuông.

- Hành tây lột bỏ vỏ, thái miếng vuông giống như cà chua.

- Ớt chuông Đà Lạt bỏ hột, thái miếng giống như cà chua, hành tây.

- Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.

- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đung nóng, chao qua thịt bò cho hơi tái. Đổ bớt dầu ăn ra ngoài, chỉ giữ lại một chút, phi thơm tỏi, cho bò vào xào nhanh tay trong lửa lớn (bạn cũng có thể cho thêm 1 thìa cà phê rượu vang hoặc rượu trắng trong bước này - cẩn thận lửa bùng lên nhé, nhìn rất đẹp và thường giành cho đầu bếp chuyên nghiệp thôi). Múc thịt bò ra tô, để riêng.

- Thêm một thìa dầu ăn vào chảo, cho cà chua, hành tây, ớt chuông vào xào, nêm 1 thìa cà phê mì chính, chút hạt nêm, cho khoảng 1/3 chén con nước cho gia vị tan đều và ngấm vào các nguyên liệu. Cho thịt bò trở lại, xào cùng.

- Cuối cùng bạn múc bò lúc lắc ra đĩa, rắc tiêu, ăn nóng cùng với khoai tây chiên.

Sunday, November 9, 2014

Bắp bò hầm tiêu xanh

Bò với tiêu xanh sao lại hợp nhau đến thế nhỉ? Như cái món bắp bò hầm tiêu xanh ấy, nó hấp dẫn chết đi được, giòn giòn, cay cay, đậm đà.

NGUYÊN LIỆU
- Bắp bò: 500 gr
- Cà rốt: 1 củ
- Tiêu xanh: 3 nhành
- Sốt cà chua: 50 gr
- Pate: 50 gr
- Hành khô: 1 củ
- Bột đao
- Gia vị: Muối, hạt nêm, đường, nước mắm, tiêu xay.

Bí quyết làm món Bắp bò hầm tiêu xanh ngon
Bắp bò hầm tiêu xanh
CÁCH LÀM
- Bắp bò rửa sạch, lạng bỏ hết màng, thái quân cờ (giống như bò lúc lắc), ướp một thìa dầu ăn nhỏ, 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa hạt nêm, 1/2 thìa cà phê tiêu xay, ướp trong khoảng 50 - 60 phút.

- Tiêu xanh rửa sạch, đập dập.

- Cà rốt rửa sạch, thái quân cờ. 

- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng, cho cà rốt vào chao qua cho vàng. Đổ dầu ăn ra, chỉ để lại một ít, cho hành khô vào phi thơm, trút bắp bò vào xào săn, cho sốt cà chua, dầu điều, tiêu xanh, pa tê vào xào cùng. Thêm nửa lít nước lọc vào đun cùng, hầm thêm khoảng 20 phút cho thịt bò hơi mềm, nêm lại gia vị vừa ăn. Khi thịt bò được, các bạn xuống chút bột đao (hoặc bột năng), cho sốt hơi sánh.

- Múc Bắp bò hầm tiêu xanh ra tô, ăn nóng cùng với cơm hoặc bánh mì.

Rau cải mầm trộn dầu dấm

Rau cải mầm trộn dầu dấm là món ngon dễ làm, có thể biến tấu thành nhiều món ngon khác như: cải mầm dầu dấm trứng, cải mầm trộn thit bò, cải mầm trộn cá mòi ...

Cải mầm rất sạch và lành, các bạn có thể mua tại siêu thị hoặc trồng ở nhà. Có nhiều loại cải mầm như: mầm củ cài đỏ, mầm củ cải trắng, mầm cải ngọt... Mầm củ cái thì thường đắng (nhất là mầm củ cải đỏ), vị mù tạt rõ ràng, mầm cũng lớn hơn các loại khác. Tùy theo nhu cầu và sở thích các bạn có thể chọn các loại cải phù hợp để chế biến món ăn.

 Rau cải mầm
NGUYÊN LIỆU
- Cải mầm: 1 hộp (200 gr)
- Dấm ăn: 2 thìa
- Dầu ô liu : 1/2 thìa
- Đường: 1 thìa
- Muối: 1 thìa cà phê
- Hành tây: 1/2 củ nhỏ
- Hành củ tím: 1 củ
- Tiêu xay
- Mỡ tỏi: 1 thìa
Rau cải mầm trộn dầu dấm
CÁCH LÀM
Rau cải mầm thực ra nếu do chính tay mình trồng, qui trình hoàn toàn kiểm soát được thì các bạn không cần rửa. Nếu không, hoặc cẩn  thận thì rửa lại với nước sạch, chú ý nhẹ tay vì rau dễ dập, sau đó để ráo nước.

- Hành tây và hành củ tím lột vỏ, thái lát mỏng.

- Pha một bát gồm: dấm ăn + dầu + đường + muối + tiêu + mỡ tỏi, nêm lại cho vừa chua ngọt, hơi đậm, béo. Bạn nào thích ăn cay thì có thể cho thêm nửa quả ớt tươi.

- Cho rau cải mầm, hành tây, hành củ tím vào tô lớn, rưới nước dầu dấm lên trên, đều và nhẹ tay. Dùng đũa hoặc bao tay sạch trộn đều, sau đó bày ra đĩa. Để món ăn thêm sinh động bạn có thể thái lát cà chua mỏng vừa bày xung quanh vành đĩa.

Cải mầm dầu dấm trứng

Với cải mầm dầu dấm trứng thì với cách chế biến cải mầm như trên. Luộc thêm hai quả trứng, bóc vỏ, thái mỏng vừa, bày lên trên mặt đĩa salad, khi nào ăn với trộn, hoặc gắp một miếng trứng kèm với một miếng rau.
Cải mầm dầu dấm trứng
Cải mầm dầu dấm trứng khá ngon và hợp. Nhờ có rau mà trứng không bị "bứ". Nhờ có trứng mà rau trộn chưa, ngọt lại hơi béo, bùi, rất ngon.

Cải mầm dầu dấm cá mòi

Các bạn mua 1 - 2 hộp cá mòi sốt cà. Phi thơm hành khô, cho cá mòi ra, đổ thêm chút nước, đun khoảng 2 phút để cá và sốt nóng. Rưới đều lên trên đĩa rau trộn. 
Cải mầm trộn dầu dấm cá mòi
Vậy là các bạn đã có một đĩa cải mầm trộn dầu dấm cá mòi cực hấp dẫn.

Cải mầm trộn thịt bò

Thái mỏng 1,5 lạng thịt bò, ướp với chút tiêu, dầu hào. Phi thơm tỏi khô, cho thịt bò vào đảo qua trên lửa lớn, xúc ra đĩa. Cho 2/3 bát nước vào chảo, thêm chút dầu hào + nước tương (xì dầu) + hạt nêm + tiêu + vài giọt dầu vừng (mè), xuống thêm chút bột năng cho sốt hơi sánh. Cho thịt bò trở lại, vặt lửa lớn, đảo thêm vài cái là được.

Bí quyết làm món Rau cải mầm trộn dầu dấm thịt bò ngon
Cải mầm trộn thịt bò
Múc thịt bò và nước sốt rải đều lên chốc đĩa rau vậy là xong món cải mầm trộn thịt bò

Về cơ bản, rau cải mầm chỉ để ăn sống là ngon nhất, xào thì phải rất nhanh và khéo, lẩu thì hơi ... tốn. Nếu cần gia nhiệt như: cải mầm xào bò, cải mầm xào tỏi ... thì các bạn chú ý để lửa lớn, không cho nước, chỉ đảo sơ vài cái là phải bắc ra ngay để rau khi bị sũng nước và dai.

Sở dĩ hôm nay có hứng viết liền một mạch về cải mầm vì hồi trưa qua nhà đứa bạn ở Đại Mỗ ăn lẩu. Đúng là thịt chất cao như núi, rau thì bạt ngàn như những cánh rừng. Thịt thì toàn đồ đồng quê, rau thì cây nhà lá vườn. Đặc biệt là món rau mầm nhà tự trồng, đủ các loại. Mình mê quá, hỏi luôn về cách trồng, lại xin được 2 gói hạt, cùng với một túi đất sạch. Quả này tha hồ làm nông dân.

Hẹn gặp lại các bạn trong vài ngày tới, mình nhất định phải thử nghiệm và chia sẻ cách trồng rau mầm !

Giá trị dinh dưỡng của rau cải mầm

So với các loại rau trưởng thành, rau mầm có giá trị dinh dưỡng lớn hơn rất nhiều. Lợi ích mà rau mầm mang lại cho sức khỏe cao và phổ biến bao gồm: chất xơ, vitamin B phức tạp và protein. Một bát canh rau mầm cung cấp cho cơ thể 32 kcl và 0,84 gam chất xơ và 21-28 % protein. Trong rau mầm cũng chứa enzym tiêu hóa, chất chống oxy hóa, vitamin C..

Friday, November 7, 2014

Mực tươi xào dứa

Mực xào dứa sẽ đưa bạn đến với thế giới của màu sắc: xanh của hành hoa, đỏ của ớt, mực trắng ngà, thêm dứa vàng tươi. Mực giòn ngọt tự nhiên, rất thú vị.

Bí quyết làm món Mực tươi xào dứa ngon
Mực tươi xào dứa
NGUYÊN LIỆU
- Mực ống: 0,5 kg
- Dứa chín: 1/2 quả nhỏ
- Cần, tỏi tây: 50 gr
- Gừng, rượu
- Ớt sừng 1/2 quả
- Rau mùi hoặc thì là (dùng trang trí)
- Tỏi khô: 1/2 quả
- Dầu ăn
- Gia vị: Mì chính, muối, tiêu, xì dầu (nước tương)

CÁCH LÀM
- Mực ống mua về các bạn rửa sạch, bỏ bỏ nang và lớp màng bên ngoài, bóp với rượu gừng, để một lúc cho hết tanh rồi rửa lại, vớt ra để ráo.

- Với mực ống bạn có thể thái khoanh hoặc khía mắt võng rồi cắt miếng hình vuông, tam giác đều được. Mực sau khi thái xong, chần qua nước sôi, vớt ra, để ráo nước, ướp với chút mì chính, tiêu, muối, để khoảng 10 phút cho ngấm.

- Dứa gọt bỏ mắt, thái miếng vừa ăn.

- Hành, cần nhặt rửa sạch, hành thái khúc khoảng 3 cm, cần tây phần củ trắng thì bổ đôi nhập với phần lá xanh thái khúc.

- Tỏi khô bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.

- Gừng rửa sạch, gọt vỏ,băm nhỏ.

- Ớt sừng bỏ hột, thái vát. Lưu ý các bạn là món này không cay, nên ngoài ớt sừng các bạn có thể thay bằng ớt chuông đỏ Đà Lạt cho đẹp.

- Bắc chảo lên bếp, phi thơm tỏi + gừng, cho cần tây + hành lá  + ớt vào xào qua, bật lửa lớn, cho mực vào xào nhanh tay. Nêm 1/2 thìa mì chính + 1/4 thìa hạt nêm + 1/2 thìa nước tương, thêm chút nước cho gia vị tan đều. Xúc mực xào ra đĩa, rắc tiêu xung quanh, bày rau mùi (hoặc thì là xung quanh), ăn nóng.

Mực tươi xào dứa nên ăn nóng, vị thanh ngọt của dứa kết hợp với mực giòn dai khiến cho món ăn đậm đà mà rất quyến rũ.

Mực xào dứa chấm magi + ớt nhé các bạn.

Thursday, November 6, 2014

Canh khoai sọ bò viên

Canh khoai sọ bò viên là món ngon dễ làm. Vì món này không có nhiều nguyên liệu, cách chế biến cũng dễ, lại rất thơm ngon.

NGUYÊN LIỆU
- Khoai sọ: 0,5 kg
- Bò viên: 200 gr
- Rau mùi tàu (ngò gai): 3 - 4 lá
- Hành lá: 1 - 2 cây
- Gia vị: mì chính, hạt nêm, tiêu, nước mắm  
Bí quyết làm món Canh khoai sọ bò viên ngon
Canh khoai sọ bò viên
CÁCH LÀM
- Bò viên mua trong siêu thị, đem về rã đông, cắt làm đôi. 

- Khoai sọ gọt bỏ, rửa sạch, thái hình móng lợn, vừa ăn.

- Hành và mùi tàu nhặt bỏ rễ, rửa sạch, thái nhỏ.

- Bắc nồi lên bếp, cho khoai sọ vào, đun sôi. Đun tới khi khoai mềm thì cho tiếp bò viên vào đun cùng, nêm gia vị vừa ăn (với 1 lít nước các bạn nên cho khoảng 1/2 thìa hạt nêm + 1/3 thìa mì chính + 1 thìa cà phê nước mắm). Cuối cùng là rắt hành, mùi tàu thái nhỏ, tiêu, múc ra tô ăn nóng cùng với cơm và món mặn. Như: thịt kho tàu, tôm rim...

- Một số bạn cầu kì hơn có thể ra các hàng giò chả đặt mọc bò, thường là phải đặt trước một ngày mới có, đem về ướp gia vị, quật dẻo rồi nấu. Cách này cầu kì hơn một chút nhưng cũng ngon hơn vì nước dùng thơm và ngọt tự nhiên.

Canh khoai sọ bò viên rất dễ làm, có lẽ không cần chúc các bạn cũng thành công !

Wednesday, November 5, 2014

Mực tươi xào sả ớt

Mực tươi xào sả ớt thơm mùi sả, khá cay, thường dùng làm món nhậu, uống bia, ăn với cơm cũng rất vào.

NGUYÊN LIỆU
- Mực tươi: 0,5 kg
- Sả: 3 củ
- Ớt tươi: 1 quả
- Hành tây: 1/2 củ nhỏ
- Hành lá: 3 cây
- Dầu điều: 1 thìa cà phê
- Tỏi khô; 1/2 củ
- Rượu + gừng
- Dầu ăn
- Gia vị: mì chính, hạt nêm, tiêu, xì dầu (nước tương), đường.

Bí quyết làm món Mực tươi xào sả ớt ngon
Mực tươi xào sả ớt
CÁCH LÀM
- Mực tươi sơ chế sạch, tẩy qua rượu gừng, khía mắt võng, trần qua nước sôi.

- Sả 2/3 thái mỏng, 1/4 băm nhuyễn.

- Hành tây bóc vỏ, thái múi cam.

- Hành hoa nhặt rửa sạch, thái khúc khẳng 3 cm.

- Ớt tươi bỏ hạt thái lát mỏng.

- Tỏi khô, bóc vỏ, đập dập, băm nhuyễn.

- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng, cho sả thái lát vào chiên giòn, dùng vợt vớt ra để ráo dầu.

- Gạn bớt dầu, cho tỏi và sả băm vào phi thơm, cho mực vào xào, cho cho tiếp hành tây, hành hoa, ớt vào xào cùng. Nếu thích ăn cay hơn các bạn có thể sử dụng ớt xay, cho vào cùng lúc với tỏi và sả băm nhuyễn. Cho một chút màu điều để món ăn có màu đẹp, bóng. Nêm: 1/3 thìa mì chính + 1 thìa cà phê hạt nêm + 1/2 thìa nước tương + 1/2 thìa cà phê đường, thêm chút nước để gia vị tan đều.

- Cuối cùng là rắc tiêu, múc ra đĩa, rắc rau mùi lên trên, ăn nóng.

- Các bạn pha thêm một bát nước tương + ớt thái lát để chấm Mực tươi xào sả ớt !

Một nguyên tắc chung khi làm các món xào sả ớt các bạn cần chú ý khi cho nước thì nên cho ít hơn các món xào khác. Chỉ khoảng 1/3 bát con nước, vừa đủ để nguyên gia vị tan đều, ngấm vào nguyên liệu. Cho nhiều nước sẽ khiến món sả bị dai khi ăn, khiến cho món ăn tuy ngon mắt, thơm mũi, nhưng không đạt được yêu cầu về trạng thái: sả phải giòn. Món xào sả ớt khi múc ra đĩa thì nước chí tráng một lớp mỏng dưới đáy đĩa. Khác với một số món xào khác như: xào dầu hào, xào tỏi... thường nhiều nước.

Tuesday, November 4, 2014

Cách làm mắm rươi

Cách làm mắm rươi - Nhà văn Vũ Bằng trong Miếng ngon Hà Nội đã nhắc đến Rươi: "Cả một mùa không được ăn một miếng rươi vào miệng, không những bà ân hận, mà người chồng yêu quý của bà rất có thể lại làu nhàu."

Rươi là món ăn dân dã, vừa thích khẩu, đôi khi lại là nơi để người ta gửi vào cả nỗi nhớ, tình cảm gia đình:  Tôi còn nhớ những người ở tản mác dưới những phương trời xa lạ cả Âu lẫn Á, hồi trước chiến tranh vẫn gửi những lá thư về nhà nói với mẹ, với chị "cho xin một lọ mắm rươi", và tôi thích nghĩ lan man về những nỗi lòng của họ khi hạ bút viết nên câu đó. 

Hướng dẫn cách làm mắm rươi ngon

Hôm nay, Bí Ngô sẽ chia sẻ với các bạn cách làm mắm rươi !
NGUYÊN LIỆU
- Rươi: 1 kg
- Muối tinh: 150 gr
- Rượu nếp: 30 ml
- Thính gạo: 100 gr
- Bột gừng: 20 gr
- Vỏ quýt khô: 20 gr

Hướng dẫn cách làm mắm rươi ngon
CÁCH LÀM
- Muối tinh rang, tán nhỏ (nếu sử dụng muối hạt)

- Vỏ quýt rang vàng, tán nhỏ

- Rươi rửa sạch, nhạt hết tạp chất, để ráo nước. 

- Dùng đũa quậy rươi thành bột, trộn với muối.

- Cho rươi đã trộn kỹ vào hũ sành (hũ phải khô và sạch), đậy kín nắp, bọc bằng nilong, để ngoài nắng. Các bạn lưu ý không để côn trùng rơi vào, không nên đổ đầy hũ vì mắm sẽ trương nở và trào ra ngoài.
- Sau khoảng 3 - 4 tuần thì cho rượu, trộn đều.

- Được 5 - 6 tuần thì cho thính gạo nếp.

- Từ 7 - 8 tuần thì cho bột gừng, bột vỏ quýt.

- Sau khoảng 10 tuần thì chuyển mắm sang chai thủy tinh (khô + sạch), nút chạt rồi tiếp tục phơi nắng.

Mắm rươi có thể dùng sau khi muối khoảng 03 tháng.

Mắm rươi nếu làm theo đúng các bước ở trên có thể để được cả năm, màu sắc tươi đẹp, thơm ngon.

- Khi sử dụng mắm rươi nên để nguyên chất, không nên chưng (như mắm tép).

Mắm rươi có thể ăn với thịt luộc, cơm trắng, dùng để chấm...

- Mắm làm đúng theo quy trình trên sẽ để được hàng năm, mắm có màu sắc tươi đẹp, thơm ngon đặc biệt, ăn bảo đảm vệ sinh.

- Các bạn chú ý mắm rươi sử dụng phải là mắm nguyên chất, không được đem đun chín vì như vậy sẽ làm mất mùi đặc trưng của rươi. Mắm rươi rất dễ hỏng vì thế mỗi lần lấy mắm nên rót ra bát, đậy nắp lại ngay và không để các tạp chất rơi vào.

Màu vàng tái của mắm rươi nhắc ta nhớ lại màu đất của đồng ruộng mịn mỡ, làm cho ta yêu mà như đau nhói ở tim, vì hình ảnh của những người làm ruộng chân lấm tay bùn ở dưới mưa dầu nắng lửa. Nhớ anh em khôn xiết, thương đồng bào bao nhiêu. Ăn một miếng mắm ở phương xa, bao nhiêu là kỷ niệm đất nước cũng đi theo luôn vào lòng mình; người khách tha hương thấy đồng bào tuy là cách mặt mà vẫn thương mình, vứa cảm động, vừa thương thân, sao cho khỏi vừa mừng, vừa tủi? (Rươi  - Vũ Bằng).

Monday, November 3, 2014

Rươi xào củ niễng

Có rươi rồi, cũng phải làm chút gì đó để không phải uổng phí cả một mùa rươi chứ nhỉ !? Rươi xào củ niễng sẽ rất ngon trong một ngày chủ nhật hiu hắt như thế này.

Chao ôi! Đĩa rươi đó vừa mềm không khô, chế một ít dầu vừng, rắc mấy lá gấc thái nhỏ và mấy ngọn rau mùi vào, gia vừa hạt tiêu, để lên trên bàn, khói bốc lên nghi ngút mà ăn ngay thì nuốt đến đâu sướng đến đấy, không chịu được. (Rươi - Vũ Bằng)

NGUYÊN LIỆU
- Củ niễng: 500 gr
- Rươi: 300 gr
- Thịt ba chỉ: 200 gr
- Vỏ quýt: 10 gr
- Hành hoa: 20 gr
- Thì là: 20 gr
- Lá gấc bánh tẻ: 1 lá
- Ớt tươi: 1 quả
- Hành tây: 1.2 củ nhỏ
- Rau mùi
- Trứng gà: 1 quả
- Dầu ăn
- Gia vị: nước mắm, muối, hạt tiêu, mì chính
Bí quyết làm món Rươi xào củ niễng ngon
Rươi xào củ niễng
CÁCH LÀM

- Rươi trần qua nước sôi cho sạch lông, nhặt hết cỏ và tạp chất còn sót lại, để ráo.

- Củ niễng bỏ bẹ giạ, thái chỉ hoặc thái vát.

- Thịt ba chỉ luộc sơ, vớt ra để nguội, thái chỉ.

- Vỏ quýt, hành tây thái chỉ.

- Lá gấc thái sợi nhỏ.

- Hành hoa + thì là nhặt rửa sạch, cắt khúc.

- Rau mùi rửa sạch.

- Trứng gà đập ra bát, đánh tan.

- Đun dầu ăn nóng già, cho vỏ quýt và hành tây vào xào thơm, cho rươi vào đảo đều, nhẹ tay, rưới một chút nước mắm, đảo đều, sau đó xúc rươi ra đĩa.

- Cho thêm dầu ăn vào chảo, vặn lửa to, cho thịt ba chỉ vào đảo một lúc cho cháy cạnh rồi cho tiếp đến củ niễng, thêm một chút nước luộc thít để không bị khô. Khi niễng gần chín thì cho rươi vào xào chung, nêm lại gia vị vừa ăn.

- Khi các nguyên liệu đã chín, cho trứng gà vào, đảo đều, cho hành hoa + thì là vào đảo đều, bắc ra, không nên để trứng khô xác (trứng có vai trò là chất kết dính, và tăng độ béo, mềm cho món ăn). Trút tất cả ra đĩa sâu lòng, rắc lá gấc lên trên, rắc tiêu, bày rau mùi + thì là xung quanh, ăn nóng.

Ăn một miếng, húp một ít nước cho gia vị thật vừa, ta nghe thấy dâng lên một phong vị rất lạ lùng: béo, vừa đủ ngọt, không bùi hẳn như nhộng mà nhai lại hơi sừn sựt - và ta tưởng tượng như ta ăn những con ong non mới lấy ở khoái ra, thơm vừa vặn, không ngào ngạt nhưng ý nhị. (Nhà văn Vũ Bằng nói về mónRươi xào củ niễng).

Củ Niễng có họ với Lúa Gạo, cũng trổ bông, có hạt có thể nấu thành cơm ăn được nên còn được gọi là Lúa hoang. Niễng trước kia mọc nhiều ở Trung Quốc, chậm lớn mùa Đông, nảy nở vào mùa Xuân, thu hoạch vào mùa Thu. Hạt được  gọi là Giao Bạch Tử.
Rươi xào củ niễng
Củ niễng

Tại Việt Nam, niễng bị một loài nấm ăn trong mầm ngọn mà phình ra thành Củ Niễng không thể trổ bông kết hạt được. Niễng rất khó trồng, thường thu hoạch từ tự nhiên, vì thế không phổ biến, và thường chỉ có theo mùa.

Trong món Rươi xào củ niễng nếu không có niễng các bạn có thể thay bằng củ cải hoặc măng tươi.

Sunday, November 2, 2014

Chả rươi

Nhân tiện đợt này đang có rươi, các bạn cùng Bí Ngô làm mấy món rươi ăn chơi nhé. Trước tiên là chả rươi nào!

Rươi trộn với thịt băm, đập trứng, thìa là, thêm vài nhát vỏ quít băm nhỏ, tất cả ướp với nắm ngon, trộn đều đổ vào chảo, rán nho nhỏ lửa thôi: món này thơm "chết mũi", láng giềng hàng xóm ngửi thấy không chịu được - (Rươi - Vũ Bằng).

NGUYÊN LIỆU
- Rươi: 500 gr
- Trứng vịt: 2 quả
- Thịt nạc vai: 200 gr
- Vỏ quýt khô: 10 gr
- Hành hoa: 10 gr
- Rau thì là: 20 gr
- Ớt tươi: 20 gr
- Chanh tươi: 2 quả
- Rau thơm, rau mùi
- Dầu ăn:  200ml
- Gia vị: nước mắm, mì chính, hạt tiêu, hành khô. 

Bí quyết làm món Chả rươi ngon
Chả rươi
CÁCH LÀM
- Chọn rươi còn sống, nhặt hết cỏ, rơm còn lẫn, trần qua nước sối cho sạch lông, đổ ra rổ để ráo nước.

- Thịt nạc băm nhỏ.

- Vỏ quýt, hành, thì là, ớt tươi sơ chế sạch, thái nhỏ.

- Trộn thịt rươi đã sơ chế với thịt nạc vai, vỏ quýt, hành, thì là, ớt tươi và trứng vịt. Nêm nước mắm, mì chính, tiêu xay.

- Đun dầu ăn nóng già, xúc hỗn hợp rươi + trứng vào rán vàng, bày ra đĩa, trình bày rau thơm, rau mùi, hoa ớt, ăn nóng.

- Các bạn pha một bát nước mắm chanh ớt để làm nước chấm chả rươi nhé !

Saturday, November 1, 2014

Mực tươi xào cần tỏi

Mực tươi xào cần tỏi dậy mùi cần tỏi, mực giòn, ngọt tự nhiên. Món này thường được dùng trong bữa cơm, cùng với canh, món mặn.

NGUYÊN LIỆU
- Mực tươi: 0,5 kg
- Cần tây: 50 gr
- Tỏi tây: 50 gr
-  Cà chua: 100 gr
- Hành khô: 1 củ
- Tỏi khô: 1 củ
- Hành hoa: 50 gr
- Rau mùi: 100 gr
- Bột dao: 10 gr
- Dầu ăn 
- Gia vị: Nước mắm, muối, mì chính, hạt tiêu

Mực tươi xào cần tỏi
CÁCH LÀM
- Mực tươi sơ chế sạch, tẩy rượu gừng, khía mắt võng, cắt miếng 3 x 4 cm, chần qua nước sôi có gừng đập dập, vớt ra để ráo nước, ướp mắm, hạt tiêu, mì chính, hành tỏi khô.

- Cần, tỏi tây sơ chế sạch, cắt khúc ngắn 3, 4 cm, hành củ thái mỏng, cà chua bổ miếng cau, hành hoa cắt khúc.

- Bột đao hòa nước.

- Đun dầu ăn nóng già, cho mực vào xào săn, múc ra để riêng.

- Cho thêm một chút dầu vào chảo, cho cà chua vào xào, tiếp đó cho cần tỏi vào đảo đều, trút mực vào, nêm vừa gia vị (với một đĩa xào khoảng 500 gr các bạn có thể nêm: 1/3 thìa mì chính + 1/2 thìa cà phê  muối + 1 thìa cà phê nước mắm + chút tiêu) cuối cùng các bạn xuống bột đao cho nước xào hơi sánh, rắc hành hoa, rau mùi, ăn nóng.

Mực tươi xào cần tỏi chấm cùng magi + ớt tươi các bạn nhé !